Header Ads

Phát triển Smart City từ góc nhìn của chuyên gia Phần Lan

Thành phố thông minh không thể tạo ra bằng cách nhồi nhét thật nhiều công nghệ và ứng dụng mà quan trọng nhất là phải có chiến lược phát triển xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân.

Chia sẻ tại buổi thảo luận trong khuôn khổ Triển lãm Công nghệ và Hội nghị Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (SLUSH 2017), Tiến sĩ Kari Kankaala, Giám đốc phát triển thành phố Tampere khẳng định đó là điều cần hết sức lưu ý. Ngoài ra, các chuyên gia khác đến từ Phần Lan cũng đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quý báu trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố thông minh.

Công nghệ không tạo nên Thành phố thông minh

Nhắc đến đô thị thông minh, nhiều người thường nghĩ đến các ứng dụng thông minh, hạ tầng Công nghệ thông tin - Viễn thông, các cảm biến và thiết bị IoT… Tuy nhiên, TS Kari và nhiều chuyên gia hàng đầu về thành phố thông minh đều khẳng định: "Công nghệ không phải là yếu tố quyết định mà con người mới là trọng tâm của đô thị thông minh."

Thành phố thông minh không thể được phát triển bằng cách sử dụng thật nhiều công nghệ mới mà quan trọng nhất là phải có chiến lược xuất phát từ những vấn đề, nhu cầu thực tế của người dân, kết hợp giữa truyền thống địa phương và kết nối quốc tế.

Phát triển mô hình thành phố thông minh không phải câu chuyện của một ngày mà cần rất nhiều thời gian, nguồn lực. Bởi vậy, việc kết hợp các đơn vị và chia sẻ hiệu quả nguồn lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Phat trien Smart City tu goc nhin cua chuyen gia Phan Lan - Anh 1

Thành phố thông minh là một trong những nội dung trọng điểm được thảo luận tại SLUSH 2017

Với quan điểm đó, TS Kari cho rằng:"Phát triển thành phố thông minh phải theo chiến lược chính ở mỗi thành phố và có các kế hoạch, cơ sở cụ thế, nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vừng. Ngoài ra, các cơ quan, chính quyền, người dân phải thực sự mong muốn xây dựng thành phố thông minh."

Thông minh không phải tiêu chí hàng đầu của đô thị hiện đại mà theo TS Kari tiêu chí bền vững là ưu tiên số một. Thành phố chỉ thực sự thông minh khi các ứng dụng hướng đến việc tạo ra môi trường an toàn, thông minh, làm nền tảng tốt cho con người, cơ quan, doanh nghiệp…

Đồng hành và phát triển

Một sai lầm mà nhiều thành phố đang mắc phải trong định hướng phát triển thành phố thông minh là quá tập trung vào riêng thành phố của mình mà thiếu cái nhìn tổng quát.

Tuy mỗi thành phố có vấn đề và chiến lược phát triển riêng nhưng liên kết giữa các đô thị, khu vực là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Hợp tác là nền tảng tổng hợp các nguồn lực từ nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương cũng như kết nối, chia sẻ thông tin.

Từ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của Phần Lan, TS Kari Kankaala đưa ra khuyến nghị, thay vì tự mình thực hiện tất cả mọi việc, các thành phố nên tập trung phát triển thế mạnh, vai trò của mình và trở thành một phần trong bức tranh tổng thể của cả khu vực. Nhờ vậy, các đô thị cùng đồng hành để cùng phát triển.

Khái niệm đồng hành trên không giới hạn trong phạm vị địa lý mà còn là sự kết nối, hợp tác các thành phố, địa phương để cùng nhau giải quyết những vấn đề chung. Tại Phần Lan, các thành phố đã cùng xây dựng một platform chung để tạo thuận lợi và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả.

Phat trien Smart City tu goc nhin cua chuyen gia Phan Lan - Anh 2

Smart City không chỉ là câu chuyện của công nghệ mà quan trọng hơn là sự kết nối và hợp tác

Điển hình cho sự hợp tác này có thể thấy qua sự chia sẻ các kết quả nghiên cứu giữa các bệnh viện hay kinh nghiệm về những vấn đề chung như điều phối giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Turku là một ví dụ điển hình về thành công của mô hình thành phố thông minh. Với những kinh nghiệm của Turku, bà Pipa Turvanen từ Công viên khoa học Turku (Turku Science Park), nhận định:"Kế hoạch xây dựng thành phố thông minh phải thu hút tất cả công dân, cơ quan cùng tham gia. Các chiến lược đưa ra cần hướng đến việc làm cho thành phố trở nên đáng sống hơn, an toàn hơn và thu hút hơn."

Nếu những mục tiêu trên được thực hiện sẽ không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn có thu hút nhân tài đến với thành phố. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo càng có cơ hội phát triển.

Qua những trao đổi với lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, bà Pipa Turvanen cho rằng TP.HCM đang có những chiến lược phù hợp và bày tỏ hi vọng trong thời gian tới, hai bên sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa.

Phạm Sơn

Source https://www.baomoi.com/phat-trien-smart-city-tu-goc-nhin-cua-chuyen-gia-phan-lan/c/23747566.epi

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.