Đà Nẵng: Đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
- Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) với hai đối tác địa phương là Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC) và Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) nhằm nhân rộng các chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam.
|
24 giảng viên và cán bộ đến từ 14 trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong khu vực Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên tham gia Khoá đào tạo Giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ToT2 Đà Nẵng). |
Khoá ToT2 Đà Nẵng gồm 8 ngày đào tạo tập trung (bootcamp) diễn ra từ ngày 17 đến ngày 25 tháng 1 năm 2018 tại Danang Coworking Space – khu không gian làm việc chung của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Tham gia giảng dạy cho khoá đào tạo là 3 giảng viên quốc tế với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, trong 8 ngày Bootcamp còn có nhiều diễn giả khách mời là doanh nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp v.v… tới chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận cùng các học viên.
Ông Võ Duy Khương, Cố vấn của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cho biết: "Xác định các trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động khởi nghiệp, DSC đã phối hợp với IPP và DNES để cùng tổ chức khoá học này với mục tiêu là nâng cao năng lực giảng dạy về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các trường đại học ở khu vực, đồng thời thông qua đó hình thành một mạng lưới các giảng viên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".
Ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc điều hành DNES cũng chia sẻ: "Cùng phối hợp với IPP và DSC, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) mong muốn sẽ tạo ra được nguồn giảng viên khởi nghiệp chất lượng cho các trường đại học, dần dần đưa môn học khởi nghiệp vào nhà trường, từ đó tạo ra được các thế hệ sinh viên có tinh thần khởi nghiệp và có đẩy đủ kiến thức để khởi nghiệp thành công",
|
Ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc điều hành DNES , mong muốn ToT2 sẽ tạo ra được nguồn giảng viên khởi nghiệp chất lượng cho các trường đại học, dần dần đưa môn học khởi nghiệp vào nhà trường |
Sau khi tốt nghiệp khóa ToT2 Đà Nẵng, các học viên sẽ xây dựng và triển khai chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho riêng đơn vị mình dưới nhiều hình thức, phù hợp với định hướng và điều kiện của từng đơn vị. Họ sẽ là những hạt nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.
Được biết, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, IPP2 đã thực hiện một số hoạt động xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cá nhân, tổ chức và trường đại học tại Việt Nam. IPP2 đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho 12 chuyên gia tư vấn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, gần 100 giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến từ hơn 40 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Các khóa đào tạo được thực hiện trên cơ sở Chương trình đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do IPP phát triển cũng như một số chương trình liên quan đã từng triển khai tại Phần Lan và Hoa Kỳ với trọng tâm là các kiến thức, kỹ năng và công cụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phương pháp giảng dạy về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Các khóa đào tạo này đã đóng góp quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua việc cung cấp nguồn chuyên gia tư vấn và giảng viên chất lượng cao, góp phần đổi mới tư duy, kiến tạo và lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Hiện nay, IPP2 đang triển khai hợp tác với các đơn vị của Việt Nam để nhân rộng các chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. DSC và DNES là hai trong số những đối tác của khu vực miền Trung được IPP2 lựa chọn để chuyển giao các kiến thức liên quan tới quy trình thực hiện khoá ToT, tư vấn thiết kế chương trình đào tạo và cấp chứng nhận "Đơn vị tổ chức đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp". Trên cơ sở đó, hai đơn vị có thể tiếp tục tự thực hiện các khóa đào tạo độc lập sau này.
Các đơn vị tham gia khoá ToT2 Đà Nẵng bao gồm: Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Phân hiệu Kon Tum, Đại học Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Cao đẳng Thương mại, Cao đẳng Kinh tế và Kỹ thuật Quảng Nam, Tổ chức giáo dục ASEM Việt Nam, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), Viện tư vấn quản lý doanh nghiệp Jefferson và Học viện Action Training.
Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) là một chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Phần Lan. Cơ quan chủ quản của IPP là Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) – đại diện phía Chính phủ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan – đại diện phía Chính phủ Phần Lan. Chương trình đang triển khai giai đoạn 2 từ năm 2014 đến năm 2018 với ngân sách 11 triệu euro. IPP đã và đang hợp tác với nhiều đối tác quan trọng trong nước và quốc tế nhằm mở rộng quy mô các hoạt động đào tạo thực tế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như cải thiện các chương trình, các cơ chế hỗ trợ ở địa phương đối với doanh nghiệp sáng tạo mới. IPP2 cũng thực hiện việc kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm xây dựng một nền tảng vững chắc cho thế hệ doanh nhân Việt Nam tiếp theo, đồng thời thúc đẩy hợp tác về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là với Phần Lan.
Post a Comment