Header Ads

Grab, Uber đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thế nào sau 3 năm có mặt?

ictnews Chỉ sau 3 năm vào Việt Nam và 2 năm được cấp phép tham gia hoạt động thí điểm, Grab và Uber đã nở rộ và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vốn bị các hãng kinh doanh vận tải truyền thống "bỏ quên".

Uber, Grab chiếm lĩnh thị trường bị các hãng taxi bỏ quên?

Taxi công nghệ Uber, Grab đã chiếm lĩnh phần lớn lượng xe chạy hợp đồng điện tử. Ảnh minh họa: Internet


Trong báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện đề án thí điểm 24 Bộ GTVT mới đây gửi lên thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 đơn vị tham gia cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử tại 4/5 địa phương được phép triển khai.

Cũng trong 2 năm có tổng số 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm. Trong đó, địa bàn TP.HCM có 506 đơn vị vận tải, 3 nhà cung cấp phần mềm, với 21.601 xe tham gia thí điểm; thành phố Hà Nội có với 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm, với 15.046 xe tham gia thí điểm.

Dù vậy thì lượng xe Grab, Uber lại phát triển nhanh chóng và chiếm lĩnh thị trường gần như trước đây bị các hãng kinh doanh vận tải truyền thống bỏ ngỏ khi chiếm đa số lượng xe tham gia.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, trước năm 2015, khi các ứng dụng phần mềm như Uber, Grab, … chưa phát triển thì loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng đối với xe ô tô 9 chỗ trở xuống hầu như không có trên địa bàn thành phố. Từ năm 2015 đến nay, lượng xe ô tô 9 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng không ngừng phát triển.

Đáng chú ý là tại TP.HCM, tính đến 24/11/2017, có 114 đơn vị vận tải tham gia ký kết hợp đồng hoạt động thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng với Grab Việt Nam và số lượng xe được Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng và tham gia hoạt động là 18.110 xe.

Trong khi đó, trên thực tế, Sở GTVT TP.HCM có văn bản đề xuất tạm thời chưa triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber Việt Nam trên địa bàn thành phố trong năm 2017. Dù vậy, theo báo cáo, tính đến tháng 10 năm 2017 của Uber Việt Nam vẫn có 391 đơn vị vận tải tham gia ký kết hợp đồng hoạt động thí điểm và số lượng xe được Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng và tham gia hoạt động là 3.614 xe.

Trong khi đó, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam có 377 xe và Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh có khoảng 100 xe.

Tương tự, tại Hà Nội có 7 đơn vị được hoạt động gồm trong đó lượng xe chủ yếu là Grab và Uber. Cụ thể, Công ty TNHH GrabTaxi cho hay hãng này có 11.474 xe chiếm 90,67%. Còn phía Uber cũng cho hay đơn vị này cung cấp cho 186 đơn vị vận tải, với 2.392 xe trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lượng xe của các đơn vị khác gần như không đáng kể.

Thiếu chế tài quản lý Uber, Grab

Dù khẳng định các loại hình vận tải mới mang lại nhiều tích cực. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho hay do tính hữu ích của phần mềm điều hành và ưa thích sử dụng của hành khách dẫn đến cầu tăng, đồng nghĩa tăng về cung vận tải dẫn đến số lượng phương tiện tăng nhanh nhưng cũng khó khăn trong công tác quản lý.

Cụ thể, theo Bộ GTVT, trên thực tế, việc chấp hành quy định và hướng dẫn của một số đơn vị thí điểm còn chưa nghiêm. Sau khi được thí điểm, thời gian đầu Công ty TNHH GrabTaxi đã phối hợp tốt với các địa phương triển khai, tuy nhiên sau thời gian hoạt động Công ty đã thiếu sự phối hợp với một số địa phương, chưa thực hiện một số hướng dẫn của Bộ GTVT, Sở GTVT trong quá trình thí điểm; Công ty TNHH Uber Việt Nam chưa phối hợp tốt với Sở GTVT, mặc dù sau khi được thí điểm Công ty TNHH Uber Việt Nam đã thực hiện không cung cấp dịch vụ cho xe cá nhân nhưng trong triển khai còn có điểm thực hiện chưa phù hợp với hướng dẫn.

Ngoài ra, cũng có hiện tượng không chấp hành các quy định hiện hành như không dán phù hiệu xe hợp đồng; ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định.

Các phương tiện tham gia thí điểm được xác định là xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản (xe hợp đồng), do vậy không chịu sự ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế phạm vi hoạt động như xe taxi dẫn đến công tác tổ chức giao thông trong đô thị chưa đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, Bộ cũng thừa nhận hiện nay chưa có chế tài để xử lý đối với đối tượng cung cấp phần mềm như Uber, Grab mà chỉ có thể tăng cường xử lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia Uber, Grab nếu có vi phạm. Một ví dụ được nêu ra cụ thể và ứng dụng GrabShare (đi chung xe) được Grab triển khai không nằm trong thí điểm theo quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều văn bản yêu cầu không áp dụng dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng đối tuy nhiên, Grab vẫn tiếp tục triển khai. "Trong khi đó lại không có chế tài để xử lý đối với Công ty TNHH GrabTaxi về việc này". Việc đơn vị cung cấp phần mềm sử dụng phương tiện xe hợp đồng có phù hiệu nhưng không do Sở GTVT địa phương được thí điểm cấp... chưa có chế tài để xử lý đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối.

Sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử với kinh doanh vận tải bằng taxi kết hợp với công tác tổ chức phân luồng giao thông còn chưa hợp lý đối với hoạt động taxi đã phát sinh nhiều kiến nghị từ hiệp hội taxi và phản ứng từ đơn vị kinh doanh vận tải taxi. Chính vì vậy, thời gian qua các Hiệp hội taxi Hà Nội, Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị taxi truyền thống có nhiều văn bản kiến nghị. Hay công tác kiểm tra, xử lý phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Uber, Grab,…của Thanh tra các Sở GTVT còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc thay đổi trong quản lý để đáp ứng xu hướng tất yếu của phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức và quản lý vận tải của các cơ quan quản lý còn hạn chế, trình độ quản lý chưa theo kịp sự thay đổi của thực tế.

Từ đó, Bộ đề xuất Thủ tướng cho phép các đơn vị tham gia thí điểm tiếp tục hoạt động, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia vào mô hình này. Bộ GTVT cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý và các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Grab, Uber,...); đồng thời, nghiên cứu đưa loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng 9 chỗ ngồi trở xuống ứng dụng khoa học công nghệ (như Grab, Uber,…), trong đó qui định cụ thể các điều kiện kinh doanh vận tải nhằm phù hợp với thực tế quản lý trong hoạt động vận tải hiện nay.

Duy trì số lượng xe tham gia thí điểm và do địa phương quyết định số lượng xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, trong đó có phương tiện thí điểm hợp đồng điện tử. đồng thời cần tính toán để đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu sử dụng dịch vụ đi lại của người dân.

Source http://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/grab-uber-da-chiem-linh-thi-truong-viet-nam-the-nao-sau-3-nam-co-mat-163375.ict

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.