ĐH Bách khoa Đà Nẵng mang nhiều sản phẩm công nghiệp 4.0 đi trưng bày triển lãm
Mới đây từ ngày 5/12 đến 9/12/2017 tại thành phố Huế đã diễn ra sự kiện Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung 2017. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Chương trình nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường Đại học, Cao đẳng khu vực miền Trung hướng tới sự phát triển bền vững".
Theo website Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đưa tin, dự án được Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) hỗ trợ với sự phối hợp giữa ba trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Đại học Nha Trang và Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.
Sự kiện được tổ chức với chuỗi các hoạt động như: Tập huấn "Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp"; Triển lãm "Phiên chợ khởi nghiệp"; Chung kết cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp miền Trung năm 2017";...
Ở đó có các diễn đàn với nhiều diễn giả nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia, mang đến nhiều đề tài thú vị: Vai trò của chính quyền, trường đại học và cao đẳng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên gắn liền với doanh nghiệp để hội nhập quốc tế; Kỹ năng cần thiết cho Startup; Sàn tri thức Novelind: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cao đẳng/đại học;…
Sự kiện Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung 2017 thu hút sự tham gia của nhiều trường đại học,cao đẳng trên cả nước và hơn 30 gian hàng trưng bày của các công ty, doanh nghiệp.
Đáng chú ý Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã tham gia gian hàng trưng bày một số sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Nhà trường phản ánh xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gồm: Máy hỗ trợ học tập cho người khiếm thị (khoa Điện), Máy CNC vẽ tranh, Máy in gốm 3D, Máy in 3D, Robot thăng bằng và tàu lặn điều khiển từ xa (khoa Cơ khí), Hệ thống cảnh báo lũ (khoa Điện tử - Viễn thông).
|
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã tham gia gian hàng trưng bày triển lãm ở Huế một số sản phẩm nghiên cứu khoa học như: Máy CNC vẽ tranh, Máy in gốm 3D, Máy in 3D, Robot thăng bằng, Tàu lặn điều khiển từ xa, Hệ thống cảnh báo lũ... Nguồn ảnh: dut.udn.vn. |
Đến chung kết cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp miền Trung năm 2017", các bạn sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã đem đến 3 dự án: Máy in gốm 3D; Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho vùng trồng rau sạch Túy Loan - Hòa Phong - Hòa Vang - Đà Nẵng; và Mô hình nuôi trùn quế thông minh.
Với ý tưởng sáng tạo, thiết thực, khả thi cùng phần thuyết trình và hỏi đáp đầy thuyết phục, nhóm GOG của các bạn sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã xuất sắc giành giải Nhất chung kết cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp miền Trung năm 2017" với đề tài Mô hình nuôi trùn quế thông minh.
Như chúng ta đều biết trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay sẽ những thành phần điển hình bao gồm sự xuất hiện của công nghệ Internet Vạn vật (IoT), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, robot, máy in 3D, vật liệu mới, công nghệ nano cùng đột phá về nhận thức trong những quy trình sinh học.
Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới WEF định nghĩa về Cách mạng công nghiệp 4.0 với khái niệm như sau: "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học". Tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ,... tạo ra những công cụ sản xuất hội tụ giữa thực và ảo.
Và cũng rất dễ hiểu khi đề tài nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên không nằm ngoài xu thế này. Trong Hội thảo khoa học "Đổi mới sáng tạo phát triển bền vững vùng và địa phương trong bối cảnh mới" do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không muốn tụt lại phía sau, Việt Nam không còn còn đường nào khác là đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả.
TS Bùi Đức Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, từ một nước nghèo trở thành một nước trung bình, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, Việt Nam đã tiệm cận tới ngưỡng của mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên và nhân công giá rẻ. Vì vậy, cần phải tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn nữa trong các thập kỷ tới mới có khả năng giải quyết được các thách thức phát triển đang đặt ra hiện nay.
Những động thái mới đây trên thế giới cho thấy, đổi mới sáng tạo đang nổi lên như là nhân tố chen chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia; chỉ có đổi mới sáng tạo, con người mới giải quyết được những thách thức lớn trong thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu, an ninh sinh thái, an ninh năng lượng, an ninh lượng thực, khủng hoảng về mô hình phát triển.
Ông Bùi Đức Hùng cho rằng, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển có thể bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu họ có chiến lược và đối sách đổi mới sáng tạo. Như Thủ tướng Chính phủ đã từng khẳng định, "cách mạng 4.0 chính là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc ta".
"Tuy nhiên, sẽ không có một hình mẫu chung về sự đổi mới sáng tạo cho tất cả, mà mỗi quốc gia phải linh hoạt, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, của từng vùng và từng địa phương, của từng lĩnh vực", ông Bùi Đức Hùng khẳng định.
Post a Comment